Vào 18:28 GMT cùng ngày (2:28 phút sáng ngày 21 theo giờ Việt Nam), Rosetta đã "thức giấc" và liên lạc giữa bộ phận kiểm soát sứ mạng và con tàu đã được tái kết nối. ESA cũng đã nhanh chóng công bố tin vui này trên Twitter @ESA_Rosetta với dòng tweet: "Hello, world!"
Tín hiệu từ Rosetta sau 45 phút truyền trong không gian từ khoảng cách 807 triệu km đã đến trạm mặt đất Goldstone của NASA đặt tại California và tín hiệu đã ngay lập tức được chuyển tiếp đến bộ phận kiểm soát sứ mạng tại Darmstadt, Đức.
Được phóng vào năm 2004, Rosetta bắt đầu được đưa về trạng thái tạm nghỉ kể từ tháng 6 năm 2011 sau khi hoàn thành một loạt các lộ trình quỹ đạo phức tạo nhằm đạt được tốc độ cần thiết để có thể bắt kịp sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko. Tại vị trí nằm cách Mặt Trời 800 triệu km, các tấm pin mặt trời trên Rosetta không thể nhận đủ năng lượng để duy trì hoạt động cho các hệ thống trên tàu nên ESA đã quyết định cho con tàu tạm nghỉ và chỉ sử dụng các máy phát nhiệt để ngăn tình trạng đóng băng vĩnh viễn. Hiện tại, khoảng cách giữa Rosetta và Mặt Trời là 673 triệu km và máy tính trên tàu đã được tái kích hoạt vào lúc 10:00 GMT (5 giờ chiều hôm qua theo giờ Việt Nam).
Việc tín hiệu gởi về Trái Đất khá chậm trễ là do Rosetta cần thời gian để làm nóng các cảm biến dẫn đường, giảm tốc độ tự quay để giữ trạng thái ổn định, hướng các tấm pin trực chỉ về phía Mặt Trời và ăng-ten tầm cao về Trái Đất.
Những tín hiệu đầu tiên được Rosetta gởi về Trái Đất sau 31 tháng tạm nghỉ.
Theo ESA, Rosetta vẫn còn cách sao chổi 67P 9 triệu km và con tàu sẽ phải trải qua thêm nhiều tháng hiệu chỉnh để tái kích hoạt các trang thiết bị. Vào cuối tháng 5, Rosetta sẽ thực hiện thêm một lần điều chỉnh quỹ đạo để bắt đầu sứ mạng đầu tiên bay quanh một sao chổi. Những hình ảnh đầu tiên về sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko sẽ được chụp ở cự ly 2 triệu km.
Sau khi đi vào quỹ đạo quanh sao chổi vào tháng 8, Rosetta sẽ bắt đầu sứ mạng chính là bản đồ hoá, nghiên cứu lõi, phân tích các tính chất vật lý của khí do sao chổi giải phóng trong quá trình bay và nghiên cứu về sự thay đổi của sao chổi khi nó tiến đến Mặt Trời.
Nếu mọi việc diễn ra theo kế hoạch, vào ngày 11 tháng 11, Rosetta sẽ triển khai phương tiện đổ bộ Philae nặng 100 kg và đây cũng là phương tiện đầu tiên hạ cánh lên một sao chổi. Philae sẽ sử dụng các lao móc và chân tiếp xúc dạng mũi khoan để bám chặt vào bề mặt do trọng lực của sao chổi rất thấp. Một khi đã ổn định vị trí, Philae sẽ khoan xuống sao chổi, phân tích thành phần và gởi về các hình ảnh panoramic.
Alvaro Giménez - giám đốc chương trình khám phá khoa học và robotic tại ESA cho biết: "Con tàu săn sao chổi của chúng tôi đã trở lại. Với Rosetta, chúng tôi sẽ đưa việc khám phá sao chổi lên một tầm cao mới. Sứ mạng của Rosetta nhằm duy trì lịch sử những cái 'nhất' về sao chổi của ESA được xây dựng dựa trên những thành tự về công nghệ và khoa học từ Giotto - sứ mạng không gian sâu đầu tiên của chúng tôi với những hình ảnh đầu tiên về sao chổi Halley được gởi về Trái Đất năm 1986."