Bản tin HD Media

ICTnews - 2013 được xem là năm nhiều thách thức với ngành viễn thông khi hàng loạt vấn đề phát sinh phải giải quyết như: sự xuất hiện ồ ạt của các OTT hay tăng cước 3G...

Nhà mạng đồng loạt tăng cước 3G, dư luận phản ứng

Sau 4 năm cung cấp dịch vụ 3G, lần đầu tiên các mạng di động đồng loạt kiến nghị tăng cước dịch vụ này. Sau khoảng 10 năm cạnh tranh với kết quả giá cước các dịch vụ di động liên tục giảm mạnh, thì đây là lần đầu tiên các mạng di động đặt ra vấn đề tăng cước dịch vụ.

Các mạng di động cho rằng lý do mà họ đề xuất tăng cước 3G là do dịch vụ này đang bán dưới giá thành quá nhiều. Chỉ với 50.000 đồng/tháng, các thuê bao di động đã có thể sử dụng thoải mái gói cước 3G không giới hạn của MobiFone, VinaPhone và Viettel. Đây là mức giá bình dân cho các thuê bao di động sử dụng dịch vụ 3G. Theo tính toán của các mạng di động Việt Nam, 3G của Việt Nam đang rẻ hơn khoảng 10 lần so với Trung Quốc và rẻ hơn khoảng 40 lần so với các nước Châu Âu.

Thế nhưng, đằng sau mức giá rẻ đang tồn tại một vấn đề có vẻ đi ngược với thị trường khi mà các mạng di động đồng loạt bán 3G dưới giá thành. Nguyên nhân của vấn đề này được Viettel giải thích rằng do các nhà mạng khi mới đầu tư vào mạng 3G, để kích cầu dịch vụ mới, nhiều nhà mạng đã giảm giá cước dưới mức giá thành. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Tổng Giám đốc Viettel cho biết: "Khi sinh ra mạng 3G, các nhà mạng ở Việt Nam tính giá thành theo giá trị cận biên vì nghĩ rằng 3G sẽ tạo ra nguồn doanh thu mới bên cạnh doanh thu từ mạng 2G và chỉ dùng khoản chi phí tăng thêm để tính giá thành. Đến nay, 3G dần thay thế 2G và tất cả chi phí cho 2G dồn hết cho 3G phải "gánh", vì vậy nhà mạng phải tính chuyện tăng giá cước 3G".

Đồng tình với quan điểm này, MobiFone và VinaPhone cho rằng 3G đang được bán dưới giá thành. Theo các mạng di động, nếu tính ra giá cước 3G chưa khuyến mại chỉ bằng khoảng 30 - 50% giá thành. Như vậy, nếu không tăng giá cước 3G, nhà mạng không còn nguồn lực để tái đầu tư phát triển mạng lưới, mở rộng vùng phủ sóng của 3G.

Ngày 16/10/2013, VinaPhone, MobiFone và Viettel đồng loạt tăng giá cước dịch vụ 3G. Bộ TT&TT xác nhận đây là lần điều chỉnh cước có gói cước tăng, có gói cước giảm và có gói cước giữ nguyên nhưng tính tổng thể thì cước 3G sẽ tăng khoảng 20%. Theo thống kê của Bộ TT&TT, ngay cả sau khi đã tăng 20% thì cước 3G của Việt Nam vẫn chỉ bằng 19,4 % so với cước 3G trung bình của các nước và mới chỉ bằng khoảng 50% so với giá thành dịch vụ.

Theo thống kê của Bộ TT&TT, trong tổng số 91,21 triệu thuê bao di động phát sinh cước trong tháng 9/2013, chỉ có 18,94 triệu thuê bao sử dụng dịch vụ dữ liệu 3G và trong đó chỉ có khoảng 8,66% thuê bao bị tăng giá cước.

Tuy nhiên, việc tăng cước 3G này đã khiến nhiều khách hàng tỏ ra bất bình bởi đây đang là thời điểm kinh tế khó khăn. Trong khi đó, chất lượng dịch vụ 3G khiến nhiều khách hàng phiền lòng. Thậm chí một số khách hàng đã phản ứng bằng cách hủy dịch vụ này sau khi nhà mạng tăng cước.

Giới truyền thông cũng đặt ra nghi vấn có hay không khả năng các nhà mạng bắt tay nhau tăng cước 3G. Trước vấn đề này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo cơ quan quản lý cạnh tranh khẩn trương nắm tình hình vụ việc, nếu có dấu hiệu lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vi phạm pháp luật về cạnh tranh thì tiến hành điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Những nghi vấn này đã khép lại khi Bộ TT&TT và Bộ Công Thương có văn bản báo cáo Chính phủ về vấn đề này.

OTT làm “đau đầu” nhà mạng

Năm 2013 được xem là cuộc đổ bộ của các doanh nghiệp OTT đánh chiếm thị trường Việt Nam với các tên tuổi như: Viber, Line, Kakao Talk, Zalo. Đến cuối năm 2013, Viber dẫn đầu thị trường khi đạt khoảng 8 triệu thuê bao, nhưng vẫn thấp hơn kỳ vọng của doanh nghiệp này là chạm ngưỡng 10 triệu thuê bao tại Việt Nam. Zalo cũng tuyên bố đứng thứ hai trên thị trường với khoảng 5 triệu thuê bao. Các doanh nghiệp OTT khác thì chưa tiết lộ số thuê bao.

Sự xuất hiện ồ ạt và mạnh mẽ của các doanh nghiệp OTT cung cấp dịch vụ thoại và SMS miễn phí đã khiến các nhà mạng “đau đầu” vì doanh thu sụt giảm.

Trả lời trên truyền thông về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel tiết lộ, nếu 40 triệu thuê bao di động đều dùng 3G và Viber, thì doanh thu của Viettel có thể bị giảm 40-50%. Theo Viettel, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2012, lượng người dùng Viber đã làm giảm doanh thu của Viettel 1.500 tỷ đồng. VinaPhone và MobiFone cũng lên tiếng cho biết doanh thu bị sụt giảm vì dịch vụ OTT.

Trước sự xâm lấn của các doanh nghiệp OTT, Viettel là nhà mạng đầu tiên đưa ra đấu pháp rõ ràng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết, nhà mạng bắt buộc phải học một bài học nữa là hợp tác, làm ăn, chia sẻ với hàng nghìn "ông nhỏ" - doanh nghiệp nội dung nhỏ - để chia sẻ những giá trị, ăn chia doanh thu với họ và đó cũng chính là lối thoát cho nhà mạng.

“Mơ ước của các nhà mạng là đạt được sự sáng tạo như các doanh nghiệp OTT. Ngay bây giờ, chúng ta cần phải học dần để trở thành “ông nhỏ” và sẽ hợp tác với những “ông nhỏ” làm nội dung trong việc chia sẻ chuỗi giá trị”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Phía MobiFone và VinaPhone cũng đưa ra quan điểm sẽ hợp tác với các doanh nghiệp OTT trên quan điểm mô hình các bên cùng có lợi.

Thị trường di động sắp chạm ngưỡng bão hòa

Nếu như thị trường di động Việt Nam liên tiếp bùng nổ, thì năm 2013 lần đầu tiên Bộ TT&TT công bố con số sụt giảm. Ở thời điểm cuối năm 2012, tổng thuê bao di động tại Việt Nam có phát sinh cước là 130 triệu, nhưng đến tháng 9/2013 chỉ còn 90 triệu, giảm gần 40 triệu thuê bao trong vòng 9 tháng mà xã hội vẫn phát triển bình thường. Có thể nói số lượng 40 triệu này là thuê bao ảo hoặc những thuê bao mua sim thay cho thẻ, dùng hết khuyến mại thì bỏ đi.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, sau khi Bộ TT&TT đưa ra hàng loạt chính sách như: Siết chặt quản lý thuê bao di động trả trước, siết chặt việc khuyến mãi để tránh việc "mua sim thay thẻ cào" thì thuê bao di động đã giảm mạnh. Cũng theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, hiện Việt Nam chỉ còn 90 triệu thuê bao di động đang phát sinh cước và đây là con số sử dụng phù hợp với thị trường hiện nay. Việc thống kê sụt giảm này là tín hiệu mừng bởi nó đánh giá đúng thực tế thị trường và để thị trường phát triển bền vững.

Ngay sau khi Bộ TT&TT áp dụng chính sách cấm bán SIM kèm tài khoản từ 1/1/2013 thì việc phát triển thuê bao mới của các mạng đã giảm mạnh. Theo tính toán của Viettel, việc phát triển thuê bao mới giảm 10 lần so với thời điểm trước đó.

Thực ra yêu cầu "hạ nhiệt" thuê bao di động đã được nhiều chuyên gia viễn thông đưa ra trước đó nhằm tránh tình trạng thuê bao ảo quá nhiều gây lãng phí cho xã hội.

Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 1+2 ra ngày 1/1/2014